3 tháng 9, 2011

Diễn đàn văn học

                                     ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN 
   VỀ MÀU SẮC NAM BỘ TRONG THƠ VĂN
                 CỤ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
         
          N guyễn Đình Chiểu sinh ngày 01.07.1822 ( 13.05 Nhâm Ngọ ) ở làng           Tân Thới , huyện Bình Dương thuộc Gia Định Thành , nay là TP. Hồ Chí Minh .
 Ông đỗ Tú Tài năm 1843 nhưng lại lỡ khoa thi Kỷ Dậu tại Huế ( 1849 )  vì
 phải về chịu tang mẹ và sau đó lâm vào cảnh mù lòa lúc mới 27 tuổi .
          Theo phong trào " Tị địa " , ông rời Gia Định về Cần Giuộc ( Long An )
 và tiếp tục về Ba Tri ( Bến Tre ) sống đến cuối đời .

                               Vì câu danh nghĩa phải đi ra
                               Day mũi thuyền nam dạ xót xa .
                                                                        ( Từ biệt cố nhân )

      Ô ng mở trường dạy học , bốc thuốc trị bệnh và sáng tác thơ văn . Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã đóng góp rất lớn cho dòng văn học yêu nước Nam bộ thời chống Pháp . Những tác phẩm tiêu biểu như : Lục Vân Tiên , Dương Từ Hà Mậu , Ngư Tiều y thuật vấn đáp , Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc , Văn tế Trương Định ... và nhiều bài thơ nổi tiếng khác .
          Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu có giá trị về nhiều mặt , nhưng ở đây chỉ xin
 nêu mấy suy nghĩ về màu sắc Nam bộ trong những sáng tác của Ông mà thôi .

                   1- DIỆN MẠO CỦA NAM KỲ LỤC TỈNH :
     Dưới ngòi bút góc cạnh , đậm đà của Ông ; đất trời Nam Kỳ Lục Tỉnh dần dần hiện ra qua các địa danh như : Đồng Nai , Bến Nghé , Gia Định , Gò Công , sông Cần Giuộc , chợ Trường Bình , chùa Tôn Thạnh ...
                   - Chạy giặc :
                           Bến Nghé của tiền tan bọt nước
                           Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây .
                   - Điếu Trương Định :
                           Đồng Nai , Chợ Mỹ lo nhiều phía
                           Bến Nghé , Sài Gòn kể mấy đông .
                   - Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh :
                           Trời Gia Định ngày chiều rạng ráng
                            Đất Biên Hòa đêm vắng trăng lờ ...
                            Gần Côn Lôn , xa Đại Hải , máu thây trôi nổi ai nhìn ...
                   - Văn tế Trương Định :
                            Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt , thương đấng anh hùng
                             gặp lúc gian truân ;
                            Đất Gò Công cây cỏ ủ ê , cám niềm thần tử hết lòng trung
                             ái  ...
                             Rạch Lá , Gò Công mấy trận , người thấy đã kinh ;
                             Cửa Khâu , Trại Cá , ai nghe chẳng hãi  .
                    - Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc :
                             Đoái sông Cần Giuộc , cỏ cây mấy dặm sầu giăng ;
                             Nhìn chợ Trường Bình , già trẻ hai hàng lụy nhỏ  ...
                             Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh , tấm lòng son
                             gởi lại bóng trăng rằm ...

          Bức tranh Nam Kỳ Lục Tỉnh được khắc họa bằng những từ ngữ " đặc
 sệt " chất Nam bộ như  :
                  - Thế đất : Gành , vực , bàu , vũng , vịnh , doi ...
                  - Con vật : Chim quành quạch , chù lắt ( chuột ) , rắn rồng ...
                  - Những từ khác : Vùa hương ( bát cắm hương ) , qua ( tôi ) ,
                     bậu ( bạn ) , kiểng ( cảnh ) , ngươn ( nguyên ) , chở  đạo
                    ( tải đạo ) ...
        Những từ ngữ trên gợi ta nhớ đến một đất Nam bộ còn hoang sơ của
 thời " khẩn hoang , lập ấp " nhưng vô cùng phong phú về sản vật thiên
 nhiên qua các câu ca dao :

                           - Cà Mau khỉ khọt trên bưng
                             Dưới sông sấu lội , trên rừng cọp um  .
                           - Chiều chiều quạ nói với diều
                              Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm  .
                           - Xứ Cần Thơ nam thanh nữ tú
                             Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu  .
                            - Rộng đồng mặc sức chim bay
                              Biển , hồ lai láng cá bầy đua bơi  .
                            - Trời xanh , kinh đỏ , đất xanh
                              Đỉa bu , muỗi cắn khiến anh nhớ nàng ...

        Thế nhưng , Nam Kỳ Lục Tỉnh giàu đẹp giờ đây đã đắm chìm trong
 khói lửa chiến tranh và lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp ( ba tỉnh miền
 Đông vào năm 1862 , ba tỉnh miền Tây vào năm 1867 ) . Ông đã xác định
 rõ lập trường của mình trong bài thơ Xúc cảnh ( Ngóng gió đông ) :
                              Bờ cõi xưa đà chia đất khác
                              Nắng sương nay há đội trời chung  .

                2- TÍNH CÁCH CỦA CON NGƯỜI NAM KỲ LỤC TỈNH :

         Cũng qua thơ văn Nguyễn Đình Chiểu , ta thấy thể hiện rất rõ những
 tính cách đặc trưng của con người Nam bộ như : Phóng khoáng , trọng
 nghĩa khinh tài , thẳng thắn , trung thực , không tính toán che đậy ... Thể
 hiện rõ nhất là ba nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên ( Vân Tiên , Hớn
 Minh , Tử Trực ) và thông qua suy nghĩ , lời lẽ đối đáp của các nhân vật
 khác nữa .
                   - Hớn Minh kể chuyện bẻ cẳng tên công tử Đặng Sinh :
                              Tôi bèn nổi giận một khi
                               Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò  .
                   - Tả bọn cướp Phong Lai lộng hành :
                               Bây giờ xuống cướp thôn hương
                               Thấy con gái tốt qua đường bắt đi  .
                    - Chân thực , mộc mạc khi miêu tả cô gái đẹp :
                               Con ai vóc ngọc mình vàng
                               Má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng  .
                    - Trịnh Hâm nói thẳng thừng khi mắng ông Quán :
                               Gối rơm theo phận gối rơm
                               Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao .
                    - Ông Quán cũng thẳng thắn không kém :
                               Quán rằng : Sấm chớp mưa rào
                               Ếch nằm đáy giếng thấy bao lăm trời ...
                               Uổng thay đàn khảy tai trâu
                               Nước xao đầu vịt nghĩ lâu nực cười  .
                    - Tả bộ mặt xấu xí , chai lì của Bùi Kiêm :
                               Còn ngươi Bùi Kiệm máu dê
                               Ngồi chai bề mặt như xề thịt trâu  .
                     - Bùi Kiệm tức giận trước thái độ trung thành của Nguyệt Nga :
                               Người ta chẳng lấy người ta                      
                               Người ta đâu lấy những là tượng nhân  .

                       Bằng ngôn ngữ thô ráp , góc cạnh , không trau chuốt , cứ như từ cuộc sống hàng ngày bước thẳng vào trang sách ; ông đã miêu tả tính cách tự do , phóng khoáng của con người Nam Kỳ Lục Tỉnh thật đúng và nghe thật sướng tai .
  
                       Tính cách đặc trưng Nam bộ này dễ tìm thấy trong kho tàng ca dao của nhân dân ta để lại . Tính cách ấy được hình thành và phát triển từ môi  trường sống , lao động sản xuất nơi vùng đất " khai hoang , mở cõi " này .
                              Thử điểm qua một vài câu ca dao :

                  - Cô gái nói thẳng lòng mình với chàng trai :
                        Thò tay ngắt một cọng ngò
                        Thương anh đứt ruột giả đò làm ngơ  .
                  - Thương nhau đến mức đòi cắt cả ruột gan :
                        Phải chi cắt ruột đừng đau
                        Chiều nay tôi cắt ruột tui đưa anh đem về  .
                   - Lấy thân thể của mình để làm thước đo tình yêu :
                        Tui xa mình không chết cũng đau
                        Thuốc bạc trăm không mạnh , mặt nhìn nhau mạnh liền  .
                   - Thương nhau đến cả nắm vạt áo :
                        Anh về em nắm vạt áo em la làng
                        Biểu anh phải bỏ chữ thương chữ nhớ lại giữa đàng cho
                         em  .
                    - Đôi khi hơi độc miệng một chút :
                         Anh có thương em thì cho em một đồng
                         Để em mua gan công , mật cóc em thuốc chồng rồi em
                         theo anh  ...

          Trên đây là mấy suy nghĩ tản mạn và có tính chất ban đầu về màu
 sắc Nam bộ trong thơ văn cụ Nguyễn Đình Chiểu . Cần phải đọc và nghiên
 cứu nhiều hơn nữa mới thấy hết tầm cao giá trị của thơ văn Người . Tuy
 nhiên , chỉ bấy nhiêu cũng cho ta thấy sở dĩ các tác phẩm của cụ Đồ sống
 mãi vì nó gần gũi với nhân dân . Đó chính là lời ăn tiếng nói , là suy nghĩ
 và tình cảm của nhân dân . Từ đó đã hình thành một phong cách nghệ
 thuật riêng cho ông , góp phần quan trọng vào dòng văn học yêu nước
 Nam bộ thời chống Pháp  .

                                                                      LÊ NGỌC THẠC
                                        ( Chi hội UNESCO Thơ Đường Cao Lãnh-Đồng Tháp ) 

       

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét