Văn xuôi

           
                                                                                                                         VÕ THANH PHONG
      Cách nay độ một tuần, tôi đọc bài thơ Đường luật Vẫn một tình yêu của tác giả - Nhà giáo Lê Ngọc Thạc đăng trên chuyên san số 27 Hội Cựu Giáo chức tỉnh An Giang.
      Bài thơ cứ làm trăn trở trong tôi bao nỗi niềm trắc ẩn về câu chuyện người Thầy. Nguyên văn bài thơ như sau:
                                                         VẪN MỘT TÌNH YÊU
                                                    Tóc thầy năm tháng cứ dần trôi
                                                    Bến cũ, đò xưa cách biệt rồi
                                                    Mấy độ lửa hồng soi nét bút
                                                    Trong tim phượng thắm nhuộm trang đời
                                                    Theo dòng con nước âm thầm chảy
                                                    Cho giọt phù sa lặng lẽ bồi
                                                    Bóng ngã hoàng hôn về với Hội
                                                    Một tình yêu lớn chẳng hề vơi !
                                                                                  LÊ NGỌC THẠC
       Vẫn một tình yêu là nhan đề đa nghĩa, biểu hiện đậm nét tấm lòng cung kính người Thầy, đồng thời nói hộ tâm sự đồng nghiệp và cũng vang lên tiếng lòng của chính tác giả.
       Bài thơ như kể lại câu chuyện người Thầy, đó là người Thầy của ngày xưa từng sống những năm tháng cống hiến cho nghề dạy học, nay đã nghỉ hưu, xa trường xa lớp; nhưng lòng luôn muốn giữ lại ngọn lửa của tình yêu nghề, yêu người. Vậy là Thầy“về với Hội”để chăm chút cho ngọn lửa ấy. Tưởng thường tình, đơn giản giống như hầu hết câu chuyện về người Thầy nói chung, nhưng không, sau câu chuyện ấy còn ẩn chứa cả nỗi lòng, một quan niệm sống được thể hiện bằng những chỗ lạ của ngôn từ và cái mới của hình ảnh.
       Hình ảnh“tóc thầy”bạc màu theo năm tháng ở câu thơ mở đầu là không mới, thường gợi lên bóng dáng thầy giáo già ở mọi thời. Tuy nhiên, cái mới ở đây là khi đặt trong ngữ cảnh câu thơ thì nó cụ thể hóa sự biến chuyển cuộc đời người thầy theo hướng phôi pha, phai nhạt song hành cùng thời gian. Vậy nên, hình ảnh “tóc thầy” vừa trỗi dậy nỗi nhớ người Thầy đáng kính trong tâm tưởng vừa biểu hiện hầu hết những người Thầy và thật ra cũng nhận thấy ở chính mình – người Thầy của hôm nay.
       Câu thơ tiếp theo hiện ra hình ảnh “con đò đưa khách”, một môtíp khá quen thuộc thể hiện rất đúng công việc dạy học. Vậy mà, Đò đứng cạnh Bến cùng ghép với hai chữ “xưa”và “cũ”thành “Bến cũ, Đò xưa” khơi vào lòng ta nỗi buồn man mác với những tiếc nuối bâng khuâng vì nay Đò và Bến đã “cách biệt rồi”, bến cũ mãi mãi vắng bóng đò xưa!
    Hai câu thơ “Mấy độ lửa hồng soi nét bút/ Trong tim phượng thắm nhuộm trang đời” thật mơ hồ mà có ý nghĩa triết lý. Sao lại “lửa hồng soi nét bút”? Phải chăng đâu chỉ là ánh sáng của ngọn đèn mà chính là nguồn sáng, hơi ấm ngọn lửa của lòng nhiệt huyết soi vào, phả vào từng dòng chữ trên trang giáo án năm xưa? Rồi đến cánh phượng đỏ thắm – nét đẹp thanh cao, hồn nhiên của Thầy, của trò – được đặt vào câu thơ có ý nghĩa tượng trưng cho những gì thuộc về giá trị tinh thần hay giá trị văn hóa của môi trường giáo dục. Cho nên, được làm Thầy là được “nhuộm” những giá trị đó vào “trang đời”.Chữ “nhuộm”ở đây rất thần tình, bởi vì nhuộm nên khó phai mờ, khó tan biến những cái thuộc về văn hóa nghề giáo. Chất văn hóa ấy có phải là dáng điệu, phong thái, phẩm cách...không lẫn vào đâu được, dù từ lâu đã rời bục giảng?
    Dòng nước mang nặng hạt phù sa âm thầm, lặng lẽ bồi đắp cho đời để nói lên công lao nghể giáo ở hai câu 5-6 là nghĩa gián tiếp, bên ngoài lời thơ. Còn âm điệu thì trầm lắng như chùn xuống từ hai câu thơ như gợi lên nỗi niềm chưa được chia sẻ. Bởi lẽ, ai cũng dễ nhận thấy màu cuộc sống tươi xanh mà thường quên những hạt phù sa “âm thầm, lặng lẽ”.
    Đến câu thứ 7, mạch thơ chuyển hơi đột ngột, bất ngờ. “Bóng ngã hoàng hôn” thật hiu hắt, đượm buồn; rồi người Thầy ấy “về với Hội” có vẻ an phận. Thế nhưng, đến câu cuối thì câu chuyện người Thầy không khép lại bằng nỗi buồn, cái an phận thường tình. Câu chuyện ấy mở ra một quãng đời mới có hình ảnh người Thầy sống trong tình đồng nghiệp, trong ký ức những năm tháng đẹp đẽ bằng “Một tình yêu lớn chẳng hề vơi!”.
                                                                                                      Võ Thanh Phong
                                                                                                    Tổ Trưởng Tổ Văn
                                                                                      Trường THPT. Nguyễn Văn Hưởng-
                                                                         Huyện Chợ Mới- Tỉnh An Giang. DĐ: 0918 999643

                        
         T  rong văn hóa ẩm thực dân gian Nam bộ thì canh chua là một trong những món ăn được mọi người ưa thích nhất. Thông thường, khi nấu canh chua các bà nội trợ hay sử dụng các nguyên liệu để tạo vị chua như me, khế, bứa, cải dưa chua… Thế nhưng, đây chỉ là những phương pháp thông thường mà thôi.
       Với bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu hai món canh chua ngon và độc đáo hơn. Khi có điều kiện bạn hãy thưởng thức, ăn một lần sẽ nhớ mãi…
                     I- Canh chua lá giang:
                         1- Lá giang:
        Cây lá giang (còn gọi là giang chua, dây giang) là loài cây mọc hoang dại, tên khoa học là Aganonerion polymorphum. Thân cây lá giang là loại dây leo dài khoảng 1,5m – 4m, nhẵn, có ít nhựa mủ trắng. Thân bò trên cây sống, cây chết hoặc thảm thực vật xanh. Rễ có nhiều cấp mọc sâu trên đất ẩm. Lá giang là lá đơn, hình trái tim mọc đối, có vị chua dịu, tính mát. Hoa mọc thành chùm, màu hồng nhạt, 5 cánh đều nhau, đài hoa hình ống, tràng hoa hình chuông, 5 nhụy ngắn, nhiều noãn. Quả giang có 2 đai, hạt có chùm lông ở đỉnh. Theo đông y, lá giang có tính mát, thanh nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn. Lá giang còn dùng để chữa các chứng ăn không tiêu, bụng đầy chướng, đau dạ dày, đau nhức xương khớp.
       Với những đặc điểm nêu trên nên người dân Nam bộ đã dùng lá giang để chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng như xào với thịt bò, thịt gà, nấu canh chua với các loại cá nước ngọt… Nhưng có lẽ canh chua lá giang với thịt gà là món ăn ngon và được mọi người ưa thích nhất.
                        2- Cách chế biến:
        Lặt lá giang xanh non, rửa sạch, cắt nhỏ hoặc vò dập. Không nên dùng lá già vì sẽ có vị hơi chát, gây khó ăn. Gà chặt miếng vừa ăn, ướp với 3 cọng hành đập dập và gia vị như đường, nước mắm… Nên chọn gà thả vườn hoặc gà rừng vì thịt sẽ săn chắc và ngon hơn. Đun nóng 2 muỗng cà phê dầu ăn, cho gà vào và xào thật săn.
        Đun sôi nước, cho gà vào đun tiếp đến khi gà chín, cho lá giang vào, đun sôi lại. Có thể nấu thêm với hành tây, rau muống đồng hoặc bắp chuối cắt mỏng… Nêm đường, nước mắm, muối… cho vừa ăn. Cho canh gà lá giang ra bát để ăn nóng. Rắc thêm ít rau om, ngò gai, lá quế cắt nhuyễn lên trên. Thế là chúng ta đã có một món canh chua thật ngon, đậm nét dân gian. Món canh này ngon nhất khi ăn nóng cùng với cơm gạo tẻ, ngoài ra có thể ăn kèm với mì hoặc bún…
        Lưu ý: Khi nấu canh chua lá giang, tránh sử dụng nồi nhôm, chỉ nên sử dụng nồi inox hoặc tráng men không rỉ.
                    II- Canh chua trái giác:
                          1- Trái giác:
         Cây giác là một loại dây leo mọc hoang khắp những vạt rừng dừa nước, vườn tràm, bờ ao…ở vùng Nam bộ, có tên khoa học là Cayratia trifolia. Dây giác thường mọc quấn quanh những lùm cây ven sông rạch. Trái giác tròn, nhỏ và dính vào nhau thành từng chùm, khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn, trái càng có màu xanh đậm và bóng. Trái chín lại càng có màu đen thẫm, bên trong màu tím như mực mồng tơi, giống như trái nho chín nhưng kích cỡ nhỏ hơn. Vì thế nên người bình dân ở Nam bộ gọi nó là nho rừng. Trái giác non có vị chua chát, càng lớn vị thay đổi sang chua thanh đến chua ngọt. Chất nhờn của trái gây ngứa nên không ăn được. Thế nhưng, trí tuệ dân gian thật tuyệt vời khi đã sử dụng nó để tạo nên những món ăn độc đáo của miền sông nước. Đặc biệt, chúng tôi muốn nói đến món canh chua trái giác nấu với cá rô đồng.
                           2- Cách chế biến:
        Để món canh chua thật ngon, người ta sử dụng trái giác già, nghĩa là trái đã đến độ sắp chín nhưng màu vẫn còn xanh. Chùm trái giác đem về, lặt từng trái một, rửa sạch. Nấu nước thật sôi rồi cho trái giác vào, tiếp tục đun đến khi trái mềm rệu rã thì lược lấy trái cho ra tô. Sau đó, cho một ít nước sôi vào tô, dầm vừa tay cho trái giác nhuyễn từ từ, cho thêm một ít nước sôi nữa hòa vào phần đã dầm để lọc lấy nước rồi trút lại vào nồi canh đang nấu.
        Lược nước chua của trái giác xong thì cho cá đã làm sạch vào nồi (cá rô đồng, con lớn còn gọi là cá rô mề, hoặc nấu với lươn…). Sau đó nêm cho nồi canh vừa ăn với các gia vị như bột ngọt, nước mắm, đường… Đợi cá chín, cho tiếp rau muống đồng (hoặc bông súng vào). Khi nồi canh vừa ăn, cá và rau chín đều thì nhắc nồi khỏi bếp lửa. Rau ngò om rửa sạch, cắt nhỏ sẽ cho vào nồi canh sau cùng. Vậy là chúng ta đã có món canh chua ngon và độc đáo.
        Để đảm bảo hương vị chủ đạo của món canh chua, chúng ta vẫn phải chọn trái giác già mới ngon. Tuy nhiên, nếu thêm một vài chùm trái giác chín muồi thì nồi canh sẽ có màu tím rất đẹp.
        Trên đây là hai món ngon dân gian của vùng sông nước được nhiều người ưa thích. Có thể nói nó là một phát hiện độc đáo tạo nên sự đa dạng và phong phú thêm văn hóa ẩm thực miền Tây Nam bộ.
                                                                      
                                                                                                  LÊ NGỌC THẠC
                                                                               (Hội Liên hiệp VHNT Tỉnh Đồng Tháp)

                                                             ĐI TÌM TÁC GIẢ 
                                  NHỮNG CÂU CA DAO BẤT HỦ   
        C a dao là thơ ca dân gian Việt Nam được truyền miệng dưới dạng những câu hát, được sáng tác bằng thể văn vần của dân tộc, thường là thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc. Ca dao là một từ Hán-Việt. Theo từ nguyên, ca là bài hát có chương khúc, giai điệu; dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc.
       Về nội dung, ca dao phản ánh lịch sử, phản ánh nếp sống, phong tục tập quán truyền thống, đời sống tình cảm của nhân dân… Ngoài ra ca dao còn chứa đựng tiếng cười trào phúng. 
       Trong kho tàng văn nghệ dân gian, ca dao phần lớn không có tên tác giả. Tuy nhiên, cũng có những câu lục bát hay được phổ biến rộng rãi đến mức trở thành câu cửa miệng, trở thành lời ăn tiếng nói của nhân nhân và mọi người xem như là những câu ca dao quen thuộc. Rất ít người biết ai là tác giả của những câu thơ ấy. Người ta cứ nghĩ đó là những câu ca dao khuyết danh, là sản phẩm do quần chúng nhân dân lao đông sáng tạo ra. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được phép cùng các bạn đi tìm tác giả của một số bài ca dao nổi tiếng, sống mãi với thời gian.

      A- Bài 1:

                                      Tháp Mười đẹp nhất hoa sen
                                Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

        Những vần thơ giản dị nhưng giàu cảm xúc trên đã đi cùng năm tháng, đã trở thành thơ ca dân gian và thuộc về nhân dân. Tác giả của hai câu ca dao này là nhà thơ Bảo Định Giang.
           Bảo Định Giang sinh năm 1919, tên thật là Nguyễn Thanh Danh, quê quán tại xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông đã từng giữ những chức vụ quan trọng  ở các cơ quan quản lý văn hóa-văn nghệ như:

                    
                 -         Vụ Phó Vụ Văn nghệ  Ban Tuyên huấn Trung Ương
                       -         Trưởng Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam.
                       -         PCT Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
                       -         Chủ Tịch Hội Liên hiệp VHNT TP Hồ Chí Minh.
                       -         Tổng biên tập báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh…
                           Ông mất ngày 1.2.2005 tại TP. Hồ Chí Minh.
         Trong thời kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động thông tin, báo chí ở chiến trường Nam bộ. Hai câu thơ trên có xuất xứ từ bài thơ mang tên Đẹp nhứt được ông sáng tác năm 1947 trên đất Tháp Mười. Lúc ấy Bảo Định Giang mới ngoài 20 tuổi, đang là cán bộ Ban Tuyên truyền lưu động Chiến khu 8 thuộc Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Nam bộ. Bài thơ như sau:
                                                                ĐẸP NHỨT

                                                  Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
                                                   Nước Nam đẹp nhứt có tên cụ Hồ
                                                   Bông sen dành để lễ chùa
                                                   Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm.

                                                                                                 BẢO ĐỊNH GIANG
        Sau khi sáng tác, bài thơ trên đã được truyền miệng, in trên sách báo phổ biến khắp vùng Đồng Tháp Mười. Năm 1948, bài thơ được chuyển ra miền Bắc trong một tập thơ chép tay của Bảo Định Giang. Ông cho biết “…Có điều rất thú vị là nhiều nơi hồi đó, kể cả Việt Bắc, khi đăng lên báo người ta đã bỏ 2 câu cuối của bài thơ. Cho đến nay, nhiều sách báo cũng chỉ in 2 câu thơ đầu, coi như thế là gọn và đầy đủ ý nghĩa”. Hiện nay, 2 câu thơ đã được phổ thông hóa bằng sự thay đổi đi 4 từ của phương ngữ Nam bộ và trở thành:

                                                   Tháp Mười đẹp nhất hoa sen
                                                    Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
                  Có thể nói đây là 2 câu ca dao hiện đại hay nhất viết về Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Nó không chỉ là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp Mười, của người dân Nam bộ mà còn là niềm tự hào của kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam.

         B- Bài 2:


                                   Hỡi cô tát nước bên đàng
                                  Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
              Đây là 2 câu ca dao mà có lẽ ai cũng thuộc. Chỉ có 14 từ, không có từ nào hoa mỹ, trau chuốt nhưng lại rất hay! Hai câu ca dao là sự gặp gỡ giữa thế giới ngoại cảnh và thế giới nội tâm đẹp vô cùng. Tả cảnh nhưng chứa đựng trong đó biết bao nhiêu tình. Hình tượng “Múc ánh trăng vàng đổ đi” là sự cất cánh của hiện thực, một chi tiết đầy thi vị và lãng mạn. Tác giả của 2 câu ca dao này là nhà giáo, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh Bàng Bá Lân.

            Bàng Bá Lân sinh ngày 17.12.1912 tại phố Tân Minh, Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, chính quán của ông lại ở làng Đôn Thư, tổng Ngô Xá,   huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông tên thật là Nguyễn Xuân Lân, là nhà giáo, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của Việt Nam.
       Trước Cách mạng tháng 8, ông đã có những tác phẩm như: Tiếng thông reo (1934), Xưa (hợp tác với nữ sĩ Anh Thơ 1941), Tiếng sáo diều (1939-1945)…
        Năm 1954, ông vào Sài Gòn dạy học và cộng tác với nhiều nhật báo, tuần san, bán nguyệt san và xuất bản nhiều tập thơ, biên khảo, dịch thuật, viết sách giáo khoa Việt văn cho nhiều cấp lớp…Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, ông cũng là một tài năng, từng đạt nhiều giải thưởng, được triễn lãm ở trong và ngoài nước.
          Bàng Bá Lân mất ngày 20.10.1988 tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 76 tuổi.
        Hai câu thơ đã trở thành ca dao nêu trên có xuất xứ từ bài Tiếng hát trong trăng, được sáng tác năm 1934 và in trong tập Tiếng thông reo. Bài thơ như sau:

                                                     TIẾNG HÁT TRONG TRĂNG

                                                     Trời cao, mây bạc, trăng tròn
                                                     Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
                                                     Diều ai gọi gió véo von
                                                     Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
                                      - Hỡi cô tát nước bên đàng
                                         Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?

                                                                                         BÀNG BÁ LÂN
             Trong câu thơ 8 chữ của Bàng Bá Lân là “…lại múc trăng vàng…”, còn câu ca dao lưu hành trong nhân dân là “…múc ánh trăng vàng…”. Sự chuyển hóa trên có lẽ là do tam sao thất bản hay truyền miệng nhau nên mất đi phần nào tính nguyên thủy của câu thơ. Về chi tiết này, nhà thơ Bàng Bá Lân chia sẻ như sau:
          “ Người ta không thể múc ánh trăng vàng mà là múc trăng vàng ở dưới nước. Khi cái gầu của cô gái trong câu ca dao dìm xuống nước thì mặt trăng tan vỡ ra trong nước, hòa với nước, sóng sánh cùng với nước.
           Thế là cô gái múc nước tát lên ruộng cao cũng đồng thời múc luôn cả vầng trăng tan vỡ trong đó…”
            Mặc dù có sự thay đổi như vậy, nhưng theo chúng tôi, cả 2 cách diễn đạt đều hay và đẹp cả. Chất thơ, chất trữ tình lãng mạn ấy đã đi vào lòng người đọc khiến 2 câu ca dao đã trở thành bất hủ trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Lúc sinh thời, nhà thơ Bảo Định Giang đã từng nói:
          “ Ca dao xưa nay bao giờ cũng vậy. Nó sống được, tốt thêm là nhờ đông tay chăm sóc và mỗi người đều có quyền sửa chữa, thêm bớt cho đến lúc viên mãn mới thôi.”

           Trên đây là hai trong một số trường hợp ca dao có tên tác giả. Tuy nhà thơ Bảo Định Giang và Bàng Bá Lân đã đi xa, đã vĩnh viễn về cùng đất mẹ; nhưng thơ của các ông đã hòa vào cùng dân gian, cùng đân tộc để sống và mãi mãi trường tồn cùng năm tháng.

                                                                                              LÊ NGỌC THẠC
                                                                           (Hội Liên hiệp VHNT Tỉnh Đồng Tháp)

          T  rong kho tàng ca dao Việt Nam, hoa sen đã được nhân dân ta trân trọng dành cho một vị trí vô cùng đặc biệt. Ở Đồng Tháp, hoa sen là loài hoa đặc trưng của tỉnh. Người dân vùng châu thổ mênh mang, trù phú này hầu như ai cũng thuộc lòng bài ca dao bình dị sau đây:
                                                       Trong đầm gì đẹp bằng sen
                                                       Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
                                                       Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
                                                       Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
  
             Thế nhưng, nội hàm bài ca dao quen thuộc, dễ đọc, dễ nhớ này lại mang một triết lý nhân sinh vô cùng thâm thúy.
                                                       Trong đầm gì đẹp bằng sen
               Câu mở đầu của bài ca dao là sự khẳng định: Sen là loài hoa đẹp nhất trong các loài hoa mọc ở chốn đầm lầy! Tác giả dân gian đã vô cùng khéo léo khi không dùng dạng câu khẳng định thông thường mà dùng một câu hỏi tu từ.
               Câu hỏi tu từ là dạng câu hỏi đặt ra chỉ nhằm khẳng định một ý kiến hoặc một nhận xét nào đó chứ không phải để người đối thoại đưa ra câu trả lời. Nó có tác dụng dẫn dắt người đọc đi đến sự đồng tình. Bản thân câu hỏi đã là câu trả lời và có sức lôi cuốn gấp nhiều lần so với câu khẳng định thông thường.
                                                       Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
                Từ sự khẳng định sen là loài hoa đẹp nhất ở nơi đầm lầy, tác giả dân gian đã dùng câu 2 để miêu tả tỉ mỉ và sinh động vẻ đẹp của cây sen nhằm chứng minh cho nhận xét trên là hoàn toàn đúng.
                 Cây sen được miêu tả từ ngoài vào trong, tỉ mỉ từng bộ phận từ lá, bông đến nhị… Lá sen thì màu xanh, bông sen màu trắng thuần khiết, nhị sen điểm màu vàng… Chúng ta chú ý từ “chen”, từ này có giá trị gợi hình cho người đọc cảm nhận là các bộ phận của cây sen đua nhau khoe với cuộc đời vẻ đẹp của mình. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên với nhiều sắc màu kết hợp kỳ diệu. Đến đây, người đọc tưởng tượng ra trước mắt mình hình ảnh khóm sen mọc lên giữa đầm nước trong veo mùa hạ. Lá sen màu xanh nổi trên mặt nước, cánh sen trắng muốt, tinh khôi và hương thơm thoang thoảng tỏa ra từ những nhị hoa màu vàng…
                                                     Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
               Câu thứ 3 thật bất ngờ làm sao! Cũng là những hình ảnh cũ, nhưng vị trí đã bị hoán đổi. Đây là câu đặc biệt của bài ca dao, nó mang ý nghĩa của một câu chuyển (chuyển vần và chuyển ý).
                             - Chuyển vần: Vần thơ được chuyển từ “ang” sang “anh”.
                             - Chuyển ý: Nếu như câu 2 miêu tả sen từ ngoài vào trong thì câu 3 lại miêu tả từ trong ra ngoài. Nhà thơ Huy Cận đã từng hình dung tác giả dân gian đang “lật từng lá sen xanh, chỉ từng bông sen trắng, đếm từng nhị sen vàng…”. Cách đảo ngược trật tự từ ngữ này còn mang đến cho người đọc cách nhìn đa chiều: Nhìn từ ngoài vào trong hay nhìn từ trong ra ngoài thì sen cũng đẹp cả!
                Hai chữ “nhị vàng” ở cuối câu 2 được lặp lại ở đầu câu 3 theo thủ pháp liên hoàn có tác dụng tạo nên sự liên tục trong tư duy và cảm xúc khiến bài ca dao phát triển liền mạch và mạnh mẽ về nội dung lẫn hình thức.
               Câu thứ 3 có giá trị chuyển bài ca dao từ nghĩa hiển ngôn sang nghĩa hàm ẩn. Câu thơ khép lại hình tượng hoa sen để mở ra hình tượng con người một cách thật tài tình.
                                                     Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
              Quả thực câu kết này là đỉnh điểm, là cái thần của bài ca dao. Nếu thiếu câu này thì hoa sen sẽ không có linh hồn và bài ca dao sẽ không mang tầm cao triết lý nhân sinh lồng lộng. Đến đây thì không còn là hoa sen trong thiên nhiên nữa mà chính là con người trong cuộc đời. Ý nghĩa ẩn dụ của hoa sen đã mở ra không còn giới hạn trong tư duy người đọc.
                Với bút pháp ẩn dụ tài hoa, tác giả dân gian giúp cho người đọc nhận thức rằng:  Sen chính là con người, bùn trong đầm lầy (nghĩa đen) đã biến thành bùn lầy trong cuộc đời (nghĩa bóng). 
               Câu kết bài ca dao đặt ra mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh sống (môi trường xã hội). Thông qua đặc điểm của hoa sen, nhân dân ta thể hiện thái độ khẳng định giá trị, nhân phẩm của con người phải luôn được gìn giữ trong sạch dù môi trường xã hội có đầy rẫy những thói xấu xa, độc ác. Đây là lẽ sống cao đẹp của con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
                                                                         x             x

                                                                                 x

               Bài ca dao là sự kết hợp tuyệt vời giữa hình thức nghệ thuật với tình cảm, ý tưởng của tác giả dân gian. Bốn câu thơ ngắn gọn nhưng được sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như: Câu hỏi tu từ, phép ẩn dụ, tương phản… Nhịp thơ chậm rãi 2/2/2… khiến câu thơ như một sự chiêm nghiệm về cuộc đời để rồi đi đến kết luận.
                Những câu lục bát chảy qua bốn dòng thơ giản dị, dễ hiểu; nhưng ý tưởng thật sâu xa mang tầm cao triết lý nhân sinh lồng lộng. Bài ca dao xứng đáng là viên ngọc quý trong kho tàng văn nghệ dân gian của dân tộc.
                                                   Leâ Ngoïc Thaïc
                                  ĐI TÌM CÂU THƠ 
 TRONG DI CHÚC CỦA BÁC HỒ 
-----ooOOoo------

 
            N gày 02.09.1969, trái tim vĩ đại của Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ngừng đập. Trước khi về cõi vĩnh hằng, Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta một bản di chúc vô cùng quan trọng .
           Trong phần đầu của bản di chúc, Bác Hồ đã viết :
                 Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng  “ Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “Người thọ bảy mươi, xưa nay hiếm”.
          Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây …”
           Trong phạm vi bài viết này, tôi không có ý định phân tích những giá trị tư tưởng của bản di chúc vì điều ấy vô cùng to lớn. Ở đây, người viết chỉ muốn đi tìm lại xuất xứ câu thơ mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn . Đó là “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, đồng thời tìm hiểu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Đỗ Phủ, người được thiên hạ xưng tụng là Thi Thánh .

   I- VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI ĐỖ PHỦ :
       
            Đỗ Phủ ( 712-770 ) là nhà thơ rất nổi tiếng đời nhà Đường. Cùng với Lý Bạch và Bạch Cư Dị, ông được xem là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Quốc .
            Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc đã sa sút, sinh năm 712 tại làng Đỗ Lăng, phủ Kinh Triệu, tỉnh Thiểm Tây. Ông nội là Đỗ Thẩm Ngôn, một nhà thơ nổi tiêng thời Sơ Đường ; cha là Đỗ Nhàn có làm quan .
              - Từ lúc chào đời cho đến năm 746 ( 35 năm ) : Đỗ Phủ sống giữa thời kỳ phồn vinh của xã hội phong kiến đời Đường. Ông bắt đầu sáng tác năm 7 tuổi và đến năm 14 tuổi đã trở thành nhà thơ trẻ được các bậc đàn anh mến phục. Năm 744, Đỗ Phủ gặp nhà thơ Lý Bạch tại Lạc Dương và hai người đã kết bạn vong niên ( Lý Bạch lớn hơn Đỗ Phủ 11 tuổi ) .
               - Từ năm 746 đến 755 : Đỗ Phủ vô cùng  lận đận trên con đường công danh, bị gian thần hãm hại nên dù có tài ông cũng chỉ làm chức quan nhỏ( Công Bộ Viên Ngoại Lang ). Cuộc sống gian nan cực khổ trong thời kỳ này đã khiến Đỗ Phủ sáng tác hàng loạt bài thơ giàu tính hiện thực làm xúc động lòng người . Thơ ca của ông đã chuyển sang một giai đoạn mới : Chủ nghĩa hiện thực phê phán .
                  Tháng 11 năm 755, Tiết Độ Sứ An Lộc Sơn nổi loạn đem quân cướp ngôi nhà Đường và đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh suốt nhiều năm trời .
            - Tháng 7 năm 759, Đỗ Phủ từ quan và phải chạy loạn nhiều nơi, cuộc sống rất vất vả, gian nan. Qua bao năm lưu lạc, giờ đây tuổi già sức yếu, ông thường xuyên bệnh hoạn. Cuộc sống đói rét bệnh tật cứ dày vò nhà thơ mãi. Mùa đông năm 770, Đỗ Phủ nhắm mắt lìa đời trong chiếc thuyền rách nát lênh đênh trên sông Tương, lúc 59 tuổi.
                
               II- VỀ SỰ NGHIỆP THƠ CA :

                Đỗ Phủ đã để lại cho đời sau hơn 1400 bài thơ, chia thành 2 loại :
                      - Cổ thể thi : Là loại thơ tự do, gồm 416 bài .
                      - Cận thể thi : Là loại thơ cách luật, gồm 1037 bài .
               Thơ ông chính là nỗi đau của bản thân mình hòa chung với nỗi đau của nhân dân, của đất nước. Đọc thơ Đỗ Phủ, ta thấy được diện mạo xã hội đời Đường từ thời kỳ hưng thịnh đến suy vong, đặc biệt là trong hơn 20 năm khói lửa chiến tranh. Vì vậy, người ta gọi thơ ông là Thi sử. Có thể kể đến những bài thơ nổi tiếng và tiêu biểu của Đỗ Phủ như sau :

   - Đăng cao, Binh xa hành, Khúc giang .
   - Mao ốc vi thu phong sở phá ca .
                       - Thu hứng ( 8 bài ).
                       - Tam lại : Thạch Hào lại, Đồng Quan lại, Tân An lại .
                       - Tam biệt : Thùy lão biệt, Tân hôn biệt, Vô gia biệt ….
               
                Từ thơ ngũ ngôn đến thất ngôn, cổ thể hay cận thể ; nếu qua tay Đỗ Phủ đều trở nên xuất sắc, nhuần nhuyễn. Ông nắm rất vững thanh vận của ngôn ngữ Trung Quốc, phát huy nó tối đa để tạo được sức truyền cảm của thơ. Ngoài ra ông còn sáng tạo những hình ảnh thi vị, mới mẻ, giàu sức truyền cảm, trong thơ có những ý tưởng, khí phách lớn lao. Với những cống hiến xuất sắc cho kho tàng Đường thi nên Đỗ Phủ được người đời tôn vinh là Thi Thánh .

                           III- VỀ CÂU THƠ ĐƯỢC BÁC HỒ TRÍCH DẪN :

             Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn câu : “ Nhân sinh thất thập cổ lai hy”.
             Câu này có ý nghĩa đơn giản là con người sống được bảy mươi tuổi là hiếm có. Đây là nhận xét rất đúng với đời sống con người ngày xưa, khi xã hội còn nghèo nàn lạc hậu, nền văn minh của nhân loại chưa được phát triển .
             Câu thơ được trích trong bài KHÚC GIANG KỲ NHỊ của Đỗ Phủ, sáng tác năm 757 trong thời gian làm quan tại Tràng An, lúc đó tác giả 45 tuổi . Bài thơ như sau :

                                                      KHÚC GIANG kỳ nhị

                                                Triều hồi nhật nhật điển xuân y
                                                 Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
                                                 Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
                                                 Nhân sinh thất thập cổ lai hy  (*)
                                                 Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện
                                                 Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi
                                                 Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
                                                 Tạm thời tương thưởng mạc tương vi .

                                                                                                  ĐỖ PHỦ
(*) : Câu thơ được Bác Hồ trích dẫn .

                                                       SÔNG KHÚC phần 2

                                                Tan chầu lại cởi áo đem vay
                                                Túy lúy đầu sông cuối mỗi ngày
                                                Nợ rượu bao phen đều ngõ xóm
                                                 Đời người bảy chục hiếm xưa nay
                                                 Vờn hoa bươm bướm tung tăng lượn
                                                 Giỡn nước chuồn chuồn phấp phới bay
                                                 Phong cảnh nhớ cho luôn biến đổi
                                                 Hưởng đi, kẻo tiếc nuối sau này  !

                                                                                     LÊ NGỌC THẠC
                                                                                         ( Phỏng dịch )
              Chủ Tịch Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học. Ông ngoại là cụ Tú Hoàng Xuân Đường, một nhà Nho nổi tiếng uyên thâm Hán học ở xứ Nghệ; cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc ( Nguyễn Sinh Huy ) đỗ Phó Bảng và từng làm Thừa biện bộ Lễ rồi đến Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định .
               
                Kế thừa tuyền thống Nho học của gia đình; trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Bác còn nghiên cứu và tiếp thu những học thuyết, những tư tưởng lớn của phương Tây. Sự hòa quyện hai nền văn hóa Đông-Tây đã hình thành nên một lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại : Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới .

                                                                                 LÊ NGỌC THẠC
                                       ( P.Chủ Nhiệm CLB.Thơ Ca Mây Hồng TP.Cao Lãnh-Đồng Tháp )

                                  NGÀY XUÂN, NHỚ CÀNH MAI
                                          CỦA THIỀN SƯ MÃN GIÁC
                             
               Vào thời nhà Lý (1009-1225), Thăng Long trở thành kinh đô nước Đại Việt. Đạo Phật gần như là quốc giáo, nhiêù vị thiền sư được triều đình trọng vọng. Họ là những con người lỗi lạc. đức trọng, tài cao, giỏi thơ văn, tên tuổi sáng ngời sử sách của dân tộc .
               Trong số đó, Mãn Giác thiền sư là một vị cao tăng có tâm hồn thi sĩ tuyệt đẹp. Ông đã để lại cho đời sau một bài thơ bất hủ, đó là bài Cáo tật thị chúng ( Có bệnh bảo mọi người ). Với bài thơ này, ông được xem là một trong những tên tuổi tiêu biểu của dòng văn thơ thời Lý-Trần.
               Nhân dịp xuân về, trăm hoa đua nở, chúng ta có thể dành một chút thời gian để nhớ về cành mai của Người .

               I- VÀI NÉT VỀ MÃN GIÁC THIỀN SƯ :
          
                Mãn Giác thiền sư (1052-1096) tên thật là Lý Trường, còn Mãn Giác thiền sư là pháp danh do vua Lý Nhân Tông tặng khi ông viên tịch.
                Thiền sư là con của Trung Thơ Viên Ngoại Lang Lý Hoài Tố và là học trò của Quảng Trí thiền sư. Là người có tài trí nên ông được chọn vào dạy cho Thái Tử Càn Đức (1071). Sau này Thái Tử Càn Đức lên ngôi (tức là Lý Nhân Tông), ngài rất trọng thầy học, nên sai dựng chùa Giáo Nguyên ở bên cạnh cung Cảnh Hưng cho ông trụ trì để tiện việc thăm hỏi và bàn bạc chính sự .
                Mãn Giác thiền sư là người rất uyên thâm cả Nho và Phật. Trước khi vào cung ông đã có nhiều học trò và đã trở thành một thần tượng trong thế hệ thứ 8 của dòng thiền Quang Bích .
                 Ông mất năm 1096 ( đời Lý Nhân Tông ), khi mới 44 tuổi .

               II- VỀ BÀI THƠ CÁO TẬT THỊ CHÚNG :
           
                 Thật ra đây là một bài kệ ( kinh kệ ). Kệ là một thể loại văn học Phật giáo thường viết dưới hình thức thơ, tóm tắt tư tưởng của một bài thuyết pháp để dạy đệ tử, nên còn được gọi là thi kệ .
                 Theo sách Thiền Uyển tập anh, bài Cáo tật thị chúng ra đời vào ngày 30.11.1096. Khi Mãn Giác thiền sư lâm bệnh nặng, ông đã viết bài kệ này để dặn dò và giáo huấn các đệ tử .
                 Do tâm hồn và tài năng của Mãn Giác thiền sư, nên Cáo tật thị chúng không chỉ là bài kệ khô khan mà đã trở thành một thi phẩm bất hủ, sống mãi với thời gian. Bài thơ được viết dưới hình thức “ lục cú hỗn thể” với 4 câu đầu ngũ ngôn và 2 câu sau thất ngôn.

                                              CÁO TẬT THỊ CHÚNG

                                              Xuân khứ bách hoa lạc
                                              Xuân đáo bách hoa khai
                                              Sự trục nhãn tiền quá
                                              Lão tòng đầu thượng lai
                                              Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
                                              Đình tiền tạc dạ nhất chi mai .

                                                                     MÃN GIÁC THIỀN SƯ
                                             CÓ BỆNH BẢO MỌI NGƯỜI

                                              Xuân đi trăm hoa rụng
                                              Xuân đến trăm hoa khai
                                              Sự đời trôi trước mắt
                                              Trên đầu tóc đã phai
                                              Nào phải xuân tàn hoa rụng hết
                                              Đêm qua, sân trước một cành mai .

                                                                        LÊ NGỌC THẠC
                                                                            ( Phỏng dịch )

                 Trong giờ phút lâm chung, trước đầy đủ các sư tăng, thiền sư đã đọc bài thi kệ này như lời di chúc của một vị chân tu đối với các đệ tử và cho tất cả mọi người. Đọc xong, Người qua đời !

                 Bài thơ đã nêu một vấn đề muôn thuở của đời người mà biết bao thế hệ phải trăn trở, đó là lẽ tử-sinh ! Nội hàm bài thơ ẩn chứa triết lý đạo Phật cao sâu và ngôn ngữ biểu hiện thì giàu hình ảnh , đậm tính nghệ thuật .
                 Thiền sư đã đi từ tư duy trực giác để hình thành nên một biểu tượng bất hủ, đó là “nhất chi mai” ( một cành mai ).
             
                   - Hai câu đầu, tác giả nêu quy luật của tự nhiên :
                                                    Xuân đi trăm hoa rụng
                                                    Xuân đến trăm hoa khai
                   Khi mùa xuân đi qua thì trăm hoa rụng, khi mùa xuân về thì trăm hoa đua nở. Đây là quy luật tuần hoàn của tự nhiên và là dòng chảy bất tận của thời gian. Lối diễn đạt giàu hình ảnh và cảm xúc đã làm câu kệ vốn khô khan trở thành hay và đẹp biết bao !
                 - Hai câu tiếp theo là quy luật của đời người :
                                                     Sự đời trôi trước mắt
                                                     Trên đầu tóc đã phai
             Sự đời vận động không ngừng qua trước mắt. Còn đối với con người, có sinh ắt có tử, khỏe mạnh rồi cũng có lúc bệnh tật, có tuổi trẻ rồi sẽ đến tuổi già … Sinh-lão-bệnh-tử, đây là một quy luật của kiếp nhân sinh, không thể khác đi được. Triết lý ẩn chứa trong hai câu này là hãy yêu cuộc đời và chấp nhận nó một cách than thản vì đây là lẽ thường tình, không có gì đáng sợ cả .
                  Có một vị thiền sư đã nói : “ Trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó .”

                 - Bài thơ khép lại bằng hai câu thất ngôn tuyệt bút mà người đời xưa nay thường ca tụng là những vần thơ bất hủ :
                                Nào phải xuân tàn hoa rụng hết  
                                Đêm qua, sân trước một cành mai .

Hình ảnh “nhất chi mai” ( một cành mai ) tượng trưng cho vẻ đẹp
tinh khiết, thanh cao của thiên nhiên và con người. Trong bài thơ này, cành mai nở hoa trong buổi xuân tàn đã được thiền sư lấy đó để thể hiện nhân sinh quan của một vị chân tu : Vạn vật sinh ra, tồn tại rồi mất đi, đời người có sinh-lão-bệnh-tử … nhưng người tu hành chân chính, đắc đạo có thể vượt ra khỏi vòng sinh tử như cành mai nở hoa trong buổi xuân tàn, khi trăm hoa đã rụng hết .
                  Ngoài ra, hình ảnh cành mai như một lời nhắc nhở đối với các đệ tử nói riêng và mọi người nói chung rằng : Hãy sống thế nào để mọi lời nói và hành động của mình đều có thể đem lại hạnh phúc, an vui cho người khác và như vậy mỗi người chúng ta đều có ngày sẽ đến với mùa xuân trường cữu của cõi lòng mình.
                                     
                   Bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư đã đi suốt hành trình gần một thiên niên kỷ và hình tượng “nhất chi mai” đã trở thành bất tử với thời gian. Ở đây, tầm cao triết lý Phật giáo hòa quyện với chất thơ, được biểu hiện bằng những lời thơ giàu hình tượng và cảm xúc , đậm tính nghệ thuật. Đúng là một tuyên ngôn triết học ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương .
                  
                    Nhân ngày xuân, đọc lại bài thơ, chúng ta thêm trân trọng tinh thần lạc quan yêu đời, thái độ ung dung tự tại của thiền sư trước lẽ tử-sinh của cuộc đời, thôi thúc chúng ta vươn tới một cuộc sống có ích, vì mọi người. Dẫu sau này có chết đi cũng chỉ là chết phần thể xác, còn sự nghiệp và tiếng thơm sẽ sống mãi với thời gian như cành mai đã đi vào cõi trường sinh. Xin mượn câu thơ sau đây của đại thi hào Nguyễn Du để thay lời kết :
                                    
                                               “ Thác là thể phách, còn là tinh anh”.
                                                                                      ( Truyện Kiều )

                                                 
                                                                                         LÊ NGỌC THẠC
                                             ( P.Chủ Nhiệm CLB.Thơ Ca Mây Hồng TP. Cao Lãnh-Đồng Tháp )

              Xin trân trọng giới thiệu thêm 2 bản dịch bài thơ trên để quý thi hữu tham khảo :
                                         Xuân đi muôn vạn hoa tàn
                                         Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa
                                         Việc đời thế sự đi qua
                                         Trên đầu tuyết điểm một vài cọng sương
                                         Chớ cho xuân hết hoa tàn
                                          Đêm qua sân trước nở vàng cành mai .

                                                                              TẢN ĐÀ dịch.
                                          Xuân đi trăm hoa rơi
                                          Xuân đến trăm hoa nở
                                          Việc đời qua trước mắt
                                          Già theo đến trên đầu
                                          Chớ bảo xuân qua hoa rụng hết
                                          Đêm qua sân trước một nhành mai .

                                                              Hòa Thượng THÍCH CHÂN TUỆ dịch .

                                     CÂU ĐỐI TẾT-NÉT VĂN HÓA ĐẸP
                                                  NGÀY XUÂN

                  C âu đối là thể loại văn biền ngẫu, gồm 2 vế đối nhau nhằm biểu thị tư tưởng, tình cảm của người viết trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong cuộc sống. Câu đối là một trong những thể loại quan trọng của nền văn học Việt Nam. Nội dung câu đối bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng ở đây chỉ xin nêu đôi điều cảm nhận về những câu đối xuân hay, tiêu biểu mà thôi .
                  Tết đến, nhà nào cũng treo đèn kết hoa, chuẩn bị bàn thờ gia tiên, chăm lo cành đào phương Bắc, chậu mai phương Nam, cỗ bàn thật vừa ý. Thế nhưng Tết lại không thể thiếu câu đối Xuân được. Có người tự viết câu đối, nhưng phần lớn là thuê viết và người làm công việc này là những ông Đồ viết chữ đẹp.

                                             Mỗi năm hoa đào nở
                                             Lại thấy ông đồ già
                                             Bày mực tàu giấy đỏ
                                             Bên phố đông người qua

                                             Bao nhiêu người thuê viết
                                            Tấm tắc ngợi khen tài
                                            “ Hoa tay thảo những nét
                                             Như phượng múa rồng bay …”
                                                             ( Ông đồ - Vũ Đình Liên ).
                   Câu đối Xuân ( Xuân liên ) nói riêng và câu đối nói chung có thể chia làm 2 loại, căn cứ vào hình thức văn tự : Câu đối Hán-Việt và câu đối thuần Việt . 
                    I-CÂU ĐỐI HÁN-VIỆT :
                         1- Câu đối cầu thọ, cầu phúc :
                                     Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ 
            Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường 
Nghĩa : Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
             Xuân khắp trời đất, phúc khắp nhà .
             Phước thâm tự hải 
                                       Lộc cao như sơn 
                       Nghĩa : Hạnh phúc nhiều sâu như biển
                                    Của cải nhiều cao như núi .
                                    Tân niên hạnh phúc bình an tiến 
             Xuân nhật vinh hoa phú quý lai 
Nghĩa : Năm mới hạnh phúc bình an đến
             Ngày xuân vinh hoa phú quý về .
             Phước lộc thọ tam tinh cùng chiếu 
             Thiên địa nhân nhất thể đồng xuân 
Nghĩa : Ba vì sao phước, lộc, thọ đều cùng chiếu sáng
              Trời, đất, con người cả ba đều hưởng xuân .
              Môn đa khách đáo thiên tài đáo 
              Gia hữu nhân lai vạn vật lai 
Nghĩa : Cửa nhiều khách đến, nhiều tiền đến
              Nhà có người vào, lắm vật vào .
   2- Câu đối bày tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên:
             Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ 
              Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên 
Nghĩa : Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa xuân
             Người có trăm tính, tính hiếu thảo cần trước hết .
             Tổ tông công đức thiên niên thịnh 
             Tôn tử hiếu hiền vạn đại lưu 
Nghĩa : Công đức tổ tiên ngàn năm thịnh
             Hiếu hiền con cháu vạn đời lưu .
   3- Câu đối ca ngợi cảnh sắc mùa xuân và niềm vui năm mới :
             Sơn thủy thanh cao xuân bất tận 
                                       Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh
                          Nghĩa : Non nước thanh cao xuân mãi mãi
                                       Thần tiên vui thú cảnh đời đời .
                                       Xuân phong yểm ánh thiên niên liễu 
                                       Noãn vũ tình khai nhất kính hoa
                          Nghĩa : Gió xuân phất phơ bóng liễu ngoài trước ngõ
                                        Mưa tạnh rồi hoa nở đầy mặt gương .
                                        Đào hạnh mãn viên xuân tự cẩm 
                                        Chi lan nhiễu thế tọa ngưng hương
                          Nghĩa : Hoa đào, hoa hạnh nở đầy vườn, xuân đẹp như gấm vóc
                                       Cỏ lan, cỏ chỉ mọc quanh thềm, chỗ ngồi ngát hương.
                                        Phương thảo xuân hồi y cựu lục 
                                        Mai hoa thời đáo tự nhiên hương
                          Nghĩa : Mùa xuân trở lại, đám cỏ thơm xanh biếc như xưa
                                        Đến lúc hoa mai về, tự nhiên có hương thơm .
                                        Bách lý xuân phong hồi thảo dã 
                                       Tứ thời hòa khí cập thương sinh
                          Nghĩa : Gió xuân từ trăm dặm thổi về chốn đồng quê
                                        Mong cho bốn mùa đều có hòa khí phổ cập đến .
           Trên đây là những câu đối Hán-Việt tiêu biểu, thường được nhắc đến.
           Việc xác định tác giả cho các câu đối này gặp rất nhiều khó khăn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên câu đối cổ thường bị khuyết danh hoặc bị lẫn lộn về tên tác giả . Ví dụ như để được trân trọng, người ta hay nhờ các danh nho viết hộ rồi để tên mình, sau đó đem tặng cho người khác. Vì vậy, xin được phép không thể nêu tên tác giả của những câu đối Hán-Việt đã trích dẫn .
                  I- CÂU ĐỐI THUẦN VIỆT :
             Câu đối thuần Việt thì rất nhiều, nhưng ở đây xin trích dẫn một số câu đối tiêu biểu của các nhà thơ nổi tiếng ở nước ta có liên quan đến ngày Xuân .
                         1- Bà Huyện Thanh Quan ;
                                   Duyên với văn chương nên dán chữ              
                                   Nợ cùng trời đất phải trồng nêu .
                         2- Hồ Xuân Hương :
                                 Tối ba mươi, khép cánh kiền khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới;
                                 Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào .                             
                     ( Đây là một trong những câu đối tuyệt bút của văn học Việt Nam ).
                         3- Nguyễn Công Trứ : 
                                  - Tết đến không tiền lo chi Tết
             Xuân về hết gạo đón chi Xuân .
                                  - Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi
                                     Nợ đâm ương ra đó, nói ba bốn chuyện cà riềng .              
                                  - Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa ; 
                                     Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
                                   - Chọc trời ngất một cây nêu, tối ba mươi ri là Tết ;
                                     Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng mồng một rứa cũng Xuân . 
                                 ( Những câu đối này, Nguyễn Công Trứ viết lúc còn hàn vi. )
                       4- Trần Tế Xương ( Tú Xương ) :
                                    - Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ ;
                                      Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh .
                          ( Đây là câu đối quen thuộc, ai cũng biết ). 
                                     - Thiên hạ xác rồi, còn đốt pháo; 
                                       Nhân tình bạc thế, lại bôi vôi
             ( Tập tục nước ta ngày xưa là đốt pháo vào dịp Tết, tối ba mươi tháng chạp  lại rắc vôi hình cánh cung ở ngoài ngõ để trừ tà ma. Câu đối còn có ý than thở cho thế thái nhân tình .) 
                                        - Nực cười thay ! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không,mà Tết ;
                                          Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân .
                                        - Đì đẹt ngoài sân, tràng pháo chuột
    Lập lòe trên vách, bức tranh gà .
  - Không dưng Xuân đến chi nhà tớ
   Có lẽ trời nào đóng cửa ai .
                                         - Xuân về chớ để xuân đi, thương kẻ quạt nồng cùng ấp lạnh ;
                                            Năm mới khác gì năm cũ, van người bán muối với mua vôi .
                          5- Nguyễn Khuyến :
                                      - Tối ba mươi, giơ cẳng đụng cây nêu, ủa Tết ;
                                         Sáng mồng một, lắng tai nghe tiếng pháo, ờ Xuân .
             ( Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ khi về già thì đôi mắt gần như bị lòa nên cụ mượn lời một người mù ngớ ngẩn, nghe cũng buồn cười ). 
                                       - Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén
   Xuân về, bút mới thử vài trang .  
- Tranh pháo vui xem đàn trẻ nhỏ
  Tóc râu thêm sợi tuổi trời cao . 
- Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết ;  
   Ứơc gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân .
- Tối ba mươi nợ réo tít mù, ờ ờ Tết ;
   Sáng mồng một rượu say túy lúy, à à Xuân .
- Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó;
                                           Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo . 
                         6- Vài câu đối Xuân độc đáo, xem cho vui :    
                                        - Năm chuột đi, cháy nhà vẫn không ra mặt chuột ;
                                           Tết trâu đến, gảy đàn liệu có lọt tai trâu ?
                                                 ( GS. Văn Như Cương-Viết năm 2009 )
                                        - Tết túng tiền tiêu, toan tính tìm tay tử tế ;
      Xuân xài xu xịn, xong xuôi xuống xưởng xác xơ.
                                                  ( Khuyết danh )
                                        - Thầy giáo tháo giầy đi chợ Tết ; 
                                           Giáo chức dứt cháo dự hội Xuân .
                                                                                        ( Khuyết danh )
                Ngày nay, cuộc sống đã có rất nhiều thay đổi theo hướng công nghiệp hóa,hiện đại hóa. Trong nhịp sống hối hả đó, vào mỗi dịp Tết đến, người ta vẫn còn thấy xuất hiện bên trong các chợ và trên vỉa hè thành phố hình ảnh ông Đồ rất đẹp. Ông ngồi trên đôi gót chân, tay cầm bút lông chấm vào mực Tàu dằm trong cái nghiên rộng. Rất nhiều người vây quanh ông để nhờ viết chữ hoặc câu đối Xuân về dán trong nhà mừng năm mới .
                Hàng năm, như đã thành thông lệ đẹp vào những ngày Tết, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám ( Hà Nội ) lại tổ chức thư pháp, thư họa . Dịp này một số danh nho và nhà viết thư pháp nổi tiếng như Bùi Hạnh Cẩn, Lê Xuân Hòa, Nguyễn Văn Bách, Trần Lê Văn … được mời đến viết câu đối Tết. Hương xưa khơi dậy, thu hút hàng ngàn người Việt Nam cùng khách quốc tế tham gia và chiêm ngưỡng .
                Thời gian trôi đi như dòng chảy bất tận, nhưng hình ảnh ông Đồ vẫn còn đó và sống mãi trong thơ ca. Còn câu đối Xuân và câu đối nói chung luôn là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học, một nét văn hóa đẹp trong đời sống dân tộc Việt Nam.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     LÊ NGỌC THẠC
                                      (P.Chủ Nhiệm CLB.Thơ Ca Mây Hồng TP. Cao Lãnh-Đồng Tháp)

                                                 SỬ DỤNG BIỆN PHÁP TU TỪ
                                                   TRONG THƠ
         V ăn học nói chung và thơ nói riêng là một loại hình nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu.
                                          “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học.”
                                                                                      ( Macxim Gorki ).
          Ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ biểu hiện tập trung nhất tính hàm súc, phong phú; vừa giàu hình ảnh, sắc màu vừa giàu nhạc điệu. Ngôn ngữ sau khi được chọn lọc, chúng còn được kết hợp, sắp xếp theo những hình thức nhất định để sáng tạo nên hình tượng thơ lung linh, đa nghĩa; mang cảm xúc thẩm mỹ đến cho người đọc.
         Vì vậy để có câu thơ, bài thơ hay; ngoài vốn từ phong phú, người làm thơ cần phải biết kết hợp các biện pháp tu từ trong cách diễn đạt.
          Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được phép cùng với các thi hữu nhận dạng các biện pháp tu từ cơ bản, thường gặp trong thơ. Thông  qua đó, chúng ta có thể tham khảo và vận dụng ở một mức độ nhất định trong việc sáng tác của mình.
        I- KHÁI NIỆM:
           Biện pháp tu từ là cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ, nhằm đạt tới hiệu quả diễn đạt hay, đẹp, biểu cảm, hấp dẫn cho tác phẩm.
         II- CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ THƯỜNG GẶP:
                    1- SO SÁNH TU TỪ:
            So sánh tu từ là cách công khai đối chiếu hai hay nhiều đối tượng có một nét tương đồng nào đó về hình thức bên ngoài hay tính chất bên trong để tạo nên cảm xúc thẩm mỹ trong nhận thức của người đọc.
            Thí dụ: 
                                                 - Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
                                                   Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.
                                                                      (Đêm ngủ ở Côn Sơn-Trần Đăng Khoa)
                                                 - Như chiếc đảo bốn bề chao ngọn sóng
                                                    Hồn tôi  vang tiếng vọng cả hai miền.
                                                                       (Bài thơ tháng bảy-Tế Hanh)
                                                 - Trường Sơn chí lớn ông cha
                                                    Cửu Long lòng mẹ bao la sóng trào.
                                                                       (Nguyễn Văn Trỗi- Lê Anh Xuân) 
                         Có thể một đối tượng được so sánh với nhiều sự vật khác nhau;
                                                  - Mẹ già như chuối ba hương
                                                    Như xôi nếp một, như đường mía lau.
                                                                                                    (Ca dao) 
                Trong bài Quê hương, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã đem một khái niệm trừu tượng là quê hương so sánh với nhiều sự vật rất đỗi thân thương và gần gũi như: 
                                                  - Chùm khế ngọt
                                                  - Con diều biếc 
                                                  - Cầu tre nhỏ
                                                  - Con đò nhỏ
                                                  - Đường đi học
                                                  - Như là chỉ một mẹ thôi...  
                  Sự so sánh trên gợi nhớ nhiều kỷ niệm thiêng liêng, làm cho người đọc tự do liên tưởng, cảm nhận về quê hương theo những cảm xúc và ký ức của riêng mình. Quê hương là tất cả. Vì thế bài thơ đã nhanh chóng được độc giả yêu thích, đặc biệt là các bạn trẻ. 
                So sánh tu từ khác với so sánh luận lý. Nếu như so sánh tu từ nhằm mục đích gợi lên hình ảnh tương đồng giữa các đối tượng, từ đó tạo nên xúc cảm thẩm mỹ; thì so sánh luận lý chỉ đơn thuần cho thấy sự ngang bằng hay hơn kém giữa các đối tượng mà thôi.
                        2- ẨN DỤ:
                 Ẩn dụ là cách gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng quen thuộc nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
                   Ẩn dụ thực chất là so sánh ngầm (ví ngầm), trong đó yếu tố so sánh ẩn đi, chỉ còn yếu tố làm chuẩn so sánh được nêu lên.
                  Thí dụ: 
                                   - Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
                                     Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
                              (Viếng lăng Bác-Viễn Phương)
- Mặt trời của bắp nằm ở trên đồi
   Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.
(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ-Nguyễn Khoa Điềm)
 - Gìn vàng giữ ngọc cho hay   
                                     Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời. 
                                                              (Truyện Kiều-Nguyễn Du)
                                    - Thuyền về có nhớ bến chăng?
                                       Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. 
                                                                           (Ca dao)
                                    - Tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài 
                                      Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây.  
                                                                           (Ca dao) 
                             * Giếng sâu: Tình cảm chân thật, sâu sắc.
* Dây dài: Vun đắp tình cảm.
* Giếng cạn: Tình cảm hời hợt.
* Sợi dây: Tiếc công vun đắp tình cảm.

                  Quy luật diễn đạt của ẩn dụ là: Câu nói có vẻ xa xôi, bóng gió nhưng lại rất gần, rất cụ thể. Lấy xa để nói gần, lấy vòng vo để nói thẳng, lấy kín nói hở, lấy ít nói nhiều ...
                    Bài ca dao sau đây thể hiện rất rõ quy luật diễn đạt của biện pháp ẩn dụ tu từ:
                                                     Bây giờ mận mới hỏi đào 
                                                     Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
                                                     Mận hỏi thì đào xin thưa
                                                     Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
                                                                                                      (Ca dao)
                 Ẩn dụ làm cho câu thơ thêm giàu hình ảnh, mang tính hàm súc. Cùng một đối tượng, nhưng có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau ( ANH và EM có thể diễn đạt thành: Thuyền-biển, mận-đào, thuyền-bến, biển-bờ ....).
                 Ẩn dụ luôn chứa những hàm ý mà ta phải suy ra mới hiểu, vì thế nó dễ lôi cuốn người đọc. Tuy nhiên, ẩn dụ dùng quen dễ trở thành sáo mòn. Do vậy, người làm thơ phải cách tân những ẩn dụ đã sáo mòn bằng những hình ảnh mới. Muốn có phép ẩn dụ thì giữa hai sự vật được so sánh ngầm phải có nét tương đồng quen thuộc, nếu không hình ảnh ẩn dụ sẽ trở nên khó hiểu.

                        3- HOÁN DỤ:
                  Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của sự vật, hiện tượng, khái niệm có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
                  Có 4 kiểu hoán dụ thường gặp:
                             a-   Lấy một bộ phận để gọi toàn thể.
                             b-  Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng.
                             c-   Lấy dấu hiệu sự vật để gọi sự vật.
                             d-  Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.
Thí dụ:
     - Đầu xanh đã tội tình gì ? 
                                      Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi. 
                                                                        (Truyện Kiều-Nguyễn Du) 
                              * Đầu xanh: Tuổi trẻ.
                              * Má hồng: Người con gái đẹp, nàng Kiều.
                                    - Áo chàm đưa buổi phân ly 
                Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay. 
                                                    (Việt Bắc-Tố Hữu) 
         * Áo chàm: Đồng bào dân tộc ở Việt Bắc.
              - Sen tàn cúc lại nở hoa 
                                      Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
                                                                 (Truyện Kiều-Nguyễn Du) 
                                   * Sen: Mùa hạ.
* Cúc: Mùa thu. 
    - Bàn tay ta làm nên tất cả
      Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
                            (Bài ca vỡ đất-Hoàng Trung Thông)
 * Bàn tay: Người lao động. 
     - Một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá. 
                                                  (Người di tìm hình của nước-Chế Lan Viên)                                                                * Viên gạch hồng: Nghị lực thép, ý chí thép.
                                    * Mùa băng giá: Mùa đông.   
                                     - Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
                                      Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
                                                            (Tương tư-Nguyễn Bính)
                                * Thôn Đoài, thôn Đông:Chàng trai thôn Đoài, cô gái thôn Đông.
                     Cũng giống như ẩn dụ, hoán dụ tu từ làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Hai biện pháp này là sự sáng tạo của cá nhân, do đó nghĩa tu từ mang tính tạm thời, phụ thuộc hoàn toàn vào văn cảnh. Nếu tách khỏi văn cảnh, nghĩa tu từ sẽ mất đi.

                              4- NHÂN HÓA:

                    Nhân hóa là cách gọi hoặc miêu tả con vật, cây cối, đồ vật, hiện tượng thiên nhiên bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho chúng trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người. Từ nhân hóa nghĩa là trở thành người.

                    Biện pháp nhân hóa sẽ đưa các đối tượng không phải là con người sang thế giới con người. Khi được khoác áo con người, chúng sẽ trở nên sinh động, giúp mở rộng tối đa sự liên tưởng của người đọc.
                               Thí dụ: 
                     - Bác giun đào đất suốt ngày
                        Hôm qua chết dưới bóng cây sau nhà.                                                                                                                (Đám ma bác giun-Trần Đăng Khoa)
                     - Mặt trời xuống biển như hòn lửa
                    Sóng đã cài then, đêm sập cửa. 
                                                            (Đoàn thuyền đánh cá-Huy Cận)
                  - Trong gió trong mưa
                    Ngọn đèn đứng gác
                    Cho thắng lợi
                     Nối theo nhau
                     Đang hành quân đi lên phía trước.
                                                               (Ngọn đèn đứng gác-Chính Hữu) 
               Bằng biện pháp nhân hóa, người ta có thể bộc lộ tâm tư của mình một cách kín đáo. Trong nhiều trường hợp, người ta dùng nhân hóa làm phương tiện, làm cái cớ để thể hiện tình cảm riêng, sâu kín của mình. 
              - Đêm qua ra đứng bờ ao
                                                        Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
                                                        Buồn trông con nhện giăng tơ
                                                        Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
                                                        Buồn trông chênh chếch sao mai
                                                        Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
                                                                                                             (Ca dao)
                                                     - Em hỏi cây kơ-nia
                                                        Gió mày thổi về đâu?
                                                        Về phương mặt trời mọc ...
                                                                                       (Bóng cây kơ-nia-Thơ dân tộc Hơ-Rê)
                                                     - Khăn thương nhớ ai
                                                        Khăn rơi xuống đất?
                                                        Khăn thương nhớ ai
                                                        Khăn vắt lên vai?
                                                                                                (Ca dao)
               Nhân hóa làm câu thơ, bài thơ thêm gợi cảm, làm cho thế giới đồ vật, cây cối, con vật được gần gũi với con người hơn.

                                5- ĐIỆP NGỮ:
                Điệp ngữ là nhắc đi nhắc lại một từ, một ngữ trong câu thơ, bài thơ. Điệp ngữ vừa để nhấn mạnh ý, vừa tạo cho câu thơ, bài thơ giàu âm điệu, giọng thơ trở nên tha thiết hoặc hào hùng, mạnh mẽ
                   Thí dụ:
                                                      - Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy 
                                                         Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
                                                         Ngàn dâu xanh ngắt một màu
                                                         Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
                                                                                            (Chinh phụ ngâm-Đoàn Thị Điểm)
                                                      - Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
                                                         Cũng gọi Ông Nghè có kém ai!
                                                                                                (Tiến sĩ giấy-Nguyễn Khuyến)
                                                      - Trời xanh đây là của chúng ta
                                                         Núi rừng đây là của chúng ta
                                                         Những cánh đồng thơm ngát
                                                          Những dòng sông đỏ nặng phù sa ...
                                                                                                     (Đất nước-Nguyễn Đình Thi)
                                                      - Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
                                                         Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
                                                         Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
                                                         Nhà ai Pha Luông, mưa xa khơi.
                                                                                                       (Tây tiến-Quang Dũng)
                  Điệp ngữ tu từ hoàn toàn khác với cách viết trùng lặp do nghèo nàn về vốn từ hoặc không nắm chắc cú pháp. Cách viết lặp là một trong những lỗi cơ bản về câu.                       
                               6- CHƠI CHỮ:
                   Chơi chữ là cách vận dụng ngữ âm, ngữ nghĩa của từ để tạo ra những cách hiểu bất ngờ, thú vị.
                      1-     Dùng từ gần nghĩa, đồng nghĩa để chơi chữ:
                               - Nửa đêm, giờ Tí, canh ba 
                                                           Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi. 
                        2-     Dùng từ đồng nghĩa, trái nghĩa:
                               - Trăng bao nhiêu tuổi trăng già 
                                                            Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non? 
                        3-     Dùng lối nói lái: 
                               - Mang theo một cái phong bì
                                                           Trong đựng cái gì, đựng cái ĐẦU TIÊN.
                                                         - Con cò lửa đứng trước cửa lò
                                                           Con cá đối nằm trong cối đá. 
                         4-     Dùng từ đồng âm: 
                                - Bà già đi chợ cầu Đông
                                                            Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
                                                            Thầy bói xem quẻ nói rằng
                                                            Lợi thì có lợi nhưng răng không còn!
                                                          - Trâu khát nước, bò xuống uống
                                                            Trê thèm mồi, lóc lên ăn.
                     Trong ca dao, thơ trào phúng, tuồng, chèo, cải lương (vai hề) … thường sử dụng nhiều lối chơi chữ rất độc đáo.
                    Trên đây là những biện pháp tu từ thường được sử dụng trong thơ ca. Khác với văn xuôi, thơ chỉ dùng một lượng đơn vị ngôn ngữ hữu hạn để thể hiện cái vô hạn của cuộc sống. Vì vậy, ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ chính xác, hàm súc, giàu hình ảnh, sắc màu và nhạc điệu, có tác dụng gợi mở trí tưởng tượng.
                       Ngoài ra, ngôn ngữ thơ còn được kết hợp theo một cách đặc biệt, khác với cách sử dụng ngôn ngữ thông thường. Đó là các biện pháp tu từ để tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc.
                     Có cảm xúc tốt, có những tứ thơ mới lạ, tích lũy vốn ngôn ngữ phong phú, đồng thời biết sử dụng đúng và thành thạo các biện pháp tu từ … sẽ là những yếu tố cơ bản, cần thiết để người làm thơ sáng tạo nên những tác phẩm hay, sống mãi với thời gian.

                                                                                    LÊ NGỌC THẠC  
                                          (P.Chủ Nhiệm CLB.Thơ Ca Mây Hồng TP.Cao Lãnh-Đồng Tháp)                                                                                                      


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét